Thanh long là loại trái cây nhiệt đới, sinh trưởng và phát triển ở những vùng có khí hậu nắng nóng của Việt Nam. Trái cây thanh long là loại quả có nhiều giá trị dinh dưỡng và tác dụng với con người. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những tác dụng và giá trị dinh dưỡng của trái Thanh long.
Giá trị dinh dưỡng của trái Thanh Long
Thanh long là trái cây không còn xa lạ đối với người Việt Nam, nhất là các tỉnh phía nam. Thanh Long còn được gọi là cây lòng chảo hay cây mắt rồng, đây là một loại cây thân leo có thể dài tới 10m, bám vào giá thể nhờ những rễ phụ. Cây thanh long có tên khoa học là Hylocereus undatus Britt & Rose, thuộc họ xương rồng có nguồn gốc ở các nước Trung và Nam Mỹ. Thanh Long được du nhập vào Việt nam và sinh trưởng rất tốt ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Cây Thanh Long có thể dùng để làm cảnh, làm thực phẩm và làm thuốc. Thân Thanh Long có màu lục, có 3 cạnh dẹp khía tai bèo, thường hóa sừng ở các mép, có gai ngắn. Cây thanh long thường cho quả chính vụ vào mùa hè hoặc thu, tuy nhiên hiện nay bằng công nghệ ánh sáng và cách chăm sóc đặc biệt, người ta có thể trồng thanh long cho quả quanh năm để xuất khẩu. Quả Thanh Long có vị chua ngọt, được xem là loại quả mát, có tác dụng thanh nhiệt, ngoài ăn trực tiếp có thể chế biến các món chè, nộm rất ngon và bổ dưỡng vào mùa hè. Theo Đông y Việt Nam, thanh long có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ khái hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm phế quản, lao phổi, viêm hạch bạch huyết, quai bị, mụn nhọt… Quả thanh long rất tốt cho người bị rôm sẩy, mụn nhọt, táo bón.
Hầu hết các bộ phận từ thân cây, hoa đến trái Thanh Long đều có tác dụng làm món ăn bổ dưỡng. Thanh long là nguồn vitamin C cần thiết cho cơ thể giúp chữa một số chứng bệnh do thiếu vitamin C. Các nhà khoa học ước tính rằng, chỉ cần khoảng 700g thanh long đủ cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể, ngăn ngừa được bệnh scorbut và một số chứng bệnh do thiếu vitamin C thông thường.
Tác dụng tăng cường thị lực của trái thanh long
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh, trong trái thanh long có chứa nhiều carotene tương đương với củ cà rốt. Chính vì nõ cũng có tác dụng duy trì và cải thiện thị lực rất hiệu quả. Thanh long rất giàu vitamin A ở dạng carotene – loại chất cần thiết cho võng mạc, độ sáng và tầm nhìn của mắt.
Thanh Long có thể dùng cho nhiều trường hợp từ người già cho đến trẻ nhỏ vì thế nó có thể là giải pháp ngừa cận thị ở trẻ em và giảm lão hóa mắt ở những người lớn tuổi. Nhiều vấn đề về mắt, đặc biệt là thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, có thể được gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin A.
Tác dụng làm đẹp da của trái thanh long
Trái Thanh long được đánh giá là một trong những loại trái cây có thành phần dinh dưỡng phù hợp nhất cho việc giữ gìn dáng vóc và sắc đẹp của người phụ nữ. Với hàm lượng vitmin dồi dào và mỗi 100g thanh long chỉ cung cấp 40kcalo nên khi ăn thanh long, bạn sẽ tránh được nguy cơ tăng cân và lấy lại được một vóc dáng chuẩn. Ngoài ra, vì thành phần nước chiếm đến 87,6%. Nên trái Thanh Long chính là cứu tinh giúp giữ ẩm cho làn da, giúp da mịn màng hơn, giảm bớt hiện tượng da khô nứt, sừng hóa và lão hóa, giữ cho làn da có vẻ đẹp trẻ trung tươi mát.
Bạn có thể chế biến mặt nạ thanh long và mật ong để chăm sóc và cải thiện làn da của mình. Thanh long là giàu vitamin B3, giúp thoát nhiệt và giữ ẩm vùng da bị cháy nắng. Bạn hãy trộn đều một ít thanh long xay nhuyễn với một thìa mật ong và đắp lên mặt. Sau 15 – 20 phút thì rửa sạch da để có làm da đẹp như mong muốn.
Tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường của trái thanh long
Tiểu đường là bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại, nếu bị tiểu đường thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng rất cao. Với lượng chất xơ cao, loại quả này có thể giảm lượng cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt trong cơ thể. Chính vì thế nên thanh long được đánh gía là rất tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ trong quả thanh long có thể giúp ổn định lượng đường trong máu bằng cách ức chế lượng đường tăng cao..
Các nghiên cứu y khoa mới nhất còn tìm ra được rằng, chất nhầy trong quả thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn và muối mật. Do đó, đây chính là thực phảm vàng đối với những người mập phì, người có hàm lượng cholesterol, huyết áp tăng cao. Hơn nữa, quả thanh long ít sâu bệnh nên người trồng ít sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật, vỏ của nó cũng rất dày nên nguy cơ nhiễm tàn dư bảo vệ thực vật rất ít.
Trên đây là một số tác dụng và giá trị dinh dưỡng của trái Thanh long đối với con người. Bên cạnh những tác dụng này thì thanh long còn rất tốt cho hệ thống tiêu hóa, điều trị mụn trứng cá giảm viêm khớp, giảm cân…. Bạn có thể chế biến thanh long thành nhiều món ăn khác nhau để tận dụng tối đa các tác dụng này nhé!